Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lựa chọn hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC. Khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC thì nhà đầu tư cần đáp ứng đủ các điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng nắm được điều kiện để đầu tư theo hình thức này. Để giúp quý khách hàng hiểu thêm về vấn đề này, Luật Thành Đô giới thiệu bài viết: “Điều kiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC”.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật đầu tư 2020;

– Luật doanh nghiệp 2020;

– Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

-Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định biểu mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;

– Công văn số 8909/BKHĐT-PC về việc triển khai thi hành Luật đầu tư;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều kiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Điều kiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

II. HỢP ĐỒNG BCC LÀ GÌ?

– Hợp đồng BCC là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.

– Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

– Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.

– Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

III. ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG BCC

3.1. Nội dung của Hợp đồng BCC

Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

– Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

– Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

– Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

– Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

– Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

3.2. Điều kiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

Khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Điều kiện ngành nghề đối với nhà đầu tư đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

+ Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật, đối với nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường của ngành, nghề đầu tư;

+ Đối với những ngành, nghề mà Việt Nam đã cam kết, nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các điều kiện đối với ngành nghề đó thì Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư;

+ Đối với những ngành, nghề mà Việt Nam chưa cam kết hoặc không quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về đầu tư thì áp dụng như sau: Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật Việt Nam) không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước; Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.

– Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế.

Trừ những trường hợp hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư được áp dụng như sau:

+ Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể;

+ Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó;

+ Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

+ Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.

+ Trừ các trường hợp trên, thì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Phạm vi hoạt động đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

Nhà đầu tư nước ngoài căn cứ vào các quy định về lĩnh vực đầu tư có điều kiện, theo đó chứng minh và giải thích được các nội dung sau:

+ Chứng minh về năng lực và kinh nghiệm của Nhà đầu tư.

+ Mô tả rõ phương án hoạt động sản xuất kinh doanh (mô tả tính chất, đặc điểm, trình tự thực hiện hoạt động kinh doanh…).

+ Thị trường mục tiêu, đối tượng khách hàng.

+ Các vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh (trường hợp hoạt động kinh doanh thuộc diện kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài cần giải trình việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh tương ứng theo quy định của pháp luật).

+ Giải trình về khả năng tham gia và phát triển thị trường;

+ Chứng minh khả năng tài chính, các tài liệu chứng minh vốn chủ sở hữu

+ Giải trình về phương án thu xếp vốn và khả năng huy động vốn;

– Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

+ Theo biểu cam kết gia nhập WTO, kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ;

+ Nhiều ngành nghề kinh doanh khi lựa chọn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đó;

+ Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đã có đối tác tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần làm rõ mối quan hệ hiện tại với đối tác, phương án thay đổi mối quan hệ với đối tác sau khi được cấp phép kinh doanh và phương án giải quyết mâu thuẫn hoặc tranh chấp có thể phát sinh với đối tác (nếu có).

– Các điều kiện khác theo quy định theo Điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.

IV. HỒ SƠ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG BCC

Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm các thành phần sau:

(1) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

(2) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

(3) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

(4) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

(5) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

(6) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

(7) Hợp đồng BCC;

(8) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có);

(9) Văn bản ủy quyền có cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Bài viết cùng chủ đề:

Danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh

Trên đây là bài viết của Luật Thành Đô liên quan đến Điều kiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. Quý khách hàng vui lòng tham khảo bài viết, nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn và hỗ trợ.

Đánh giá bài viết này