Cùng với chính sách mở của hội nhập nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã kí kết nhiều hiệp định song phương, đa phương với nhiều quốc gia, thu hút nhiều các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới việc đầu tư, phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Dẫn tới việc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập ngày càng gia tăng. Để giúp các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiểu rõ quy định của pháp luật về việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Công ty Luật Thành Đô đưa ra bài viết “Quy định pháp luật về việc thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài”.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật Doanh nghiệp 2020;

– Luật Đầu tư 2020;

– Nghị định 31/2020/NĐ – CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Quy định pháp luật về việc thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài ảnh minh họa
Quy định pháp luật về việc thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài

II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Tại khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. Qua đây có thể hiểu, tổ chức kinh tế hay chính là công ty có vốn đầu tư nước ngoài là các công ty có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỉ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu.

Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam (khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020). Để thành lập được công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện:

– Không đầu tư vào các lĩnh vực bị cấm đầu tư theo quy định pháp luật bao gồm:

+ Đầu tư các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam, sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo điều ước quốc tế;

+ Đầu tư các dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường;

+ Đầu tư các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng;

+ Đầu tư các dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;

+ Các dự án đầu tư khác bị cấm đầu tư theo quy định của pháp luật.

–  Các lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Phụ lục II Nghị định 31/2021/NĐ – CP.

– Được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trừ trường hợp: Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán hoặc Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, việc nhà đầu tư nước ngoài được được thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài hay không phụ thuộc vào ngành nghề mà nhà đầu tư dự định kinh doanh tại Việt Nam. Chẳng hạn:

+ Thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, dầu và khí thuộc ngành nghề đầu tư có điều kiện nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân theo điều kiện quy định của Luật Khoáng sản 2014.

+ Ngành nghề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhà đầu tư không được phép thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi theo Điều 6 Nghị định 38/2020/NĐ – CP đây là ngành nghề chỉ có Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của tổ chức cá nhân Việt Nam mới được phép hoạt động.

III. PHƯƠNG THỨC THÀNH LẬP CÔNG TY VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Theo quy định Luật Đầu tư 2020, thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo một trong hai phương thức:

+ Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp.

+ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong một tổ chức kinh tế đã được hình thành trước đó.

liên hệ luật sư tư vấn
Liên hệ luật sư tư vấn pháp luật công ty Luật Thành Đô

IV. TRÌNH TỰ THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

4.1. Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Bước 1: Xin chấp thuận chủ trương đầu tư đối với trường hợp phải xin dự án đầu tư quy định trong luật Đầu tư. Chủ thể có thẩm quyền thực hiện: Quốc hội; Thủ tướng chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tuỳ thuộc vào quy mô dự án.

Bước 2: Đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư

Nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư cho cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi dự định thực hiện dự án đầu tư. Hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Hồ sơ gồm có:

  1. Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
  2. Đề xuất dự án đầu tư;
  3. Bản sao hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân hoặc bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  4. Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư (có thể cung cấp Giấy xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư do Ngân hàng nước ngoài cấp);
  5. Hợp đồng thuê địa điểm nơi nhà đầu tư dự định đặt trụ sở chính;

Bước 3: Theo dõi hồ sơ

– Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

– Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bước 4. Nộp hồ sơ đăng ký thành lập Công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, nhà đầu tư tiếp tục phải thực hiện đăng kí thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài. Trước khi làm hồ sơ đăng kí thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhà đầu tư cần xác định loại hình công ty định thành lập. Hiện nay có một số loại hình công ty phổ biến: Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Công ty Cổ phần.

Hồ sơ gồm có:

– Giấy đề nghị đăng kí doanh nghiệp;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (được cấp ở bước 3);

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, Người đại diện theo pháp luật, các thành viên góp vốn (đối với Công ty TNHH) hoặc các cổ đông sáng lập (đối với Công ty Cổ phần);

– Danh sách thành viên công ty đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Danh sách cổ đông sáng lập và Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với Công ty cổ phần;

– Điều lệ công ty;

– Bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;

– Văn bản cử cá nhân làm người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức (nếu có);

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết, nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng kí thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Phòng Đăng kí kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư.

Bước 5: Nhận Giấy chứng nhận đăng kí thành thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Sau khi nộp hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

4.2. Trình tự, thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong một tổ chức kinh tế

  1. Trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế:

+ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;

+ Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.

  1. Tài liệu cần chuẩn bị thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế:

+ Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Nội dung văn bản phải bao gồm: kê khai đầy đủ thông tin về nhà đầu tư, thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; Ngành nghề kinh doanh của tổ chức kinh tế;

+ Bản sao chứng minh nhân dân/thẻ căn cước/ hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

  1. Trình tư thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Nhà đầu tư chuẩn bị đầu đủ hồ sơ đã được đề cập tại điểm a Mục 4.2 bài viết.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở.

Bước 2: Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ sẽ tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho Nhà đầu tư; nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyên viên tiếp nhận/hướng dẫn giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện về thành lập tổ chức kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

Bước 3: Nhận kết quả

Đến ngày hẹn, Nhà đầu tư hoặc người được nhà đầu tư uỷ quyền mang giấy hẹn và giấy tờ chứng thực cá nhân đến nhận kết quả.

Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhà đầu tư nước ngoài được miễn lệ phí nhà nước.

Lưu ý: Nhà đầu tư không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp chỉ phải thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số tư vấn về quy định pháp luật về việc thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài. Nếu Quý Khách hàng cần tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ Luật Thành Đô

 

 

Đánh giá bài viết này