Khi thành lập dự án đầu tư, nhà đầu tư quyết định tổng vốn đầu tư thực hiện dự án, vốn góp, vốn vay để phù hợp với hoạt động của dự án.

Tổng vốn đầu tư của dự án có thể bằng vốn góp (vốn điều lệ) góp thực tế vào tổ chức kinh tế hoặc bao gồm phần vốn góp và vốn vay. Khi thay tổng vốn đầu tư mà không dẫn đến thay đổi vốn góp thì nhà đầu tư chỉ cần làm thủ tục điều chỉnh tổng vốn đầu tư trên Giấy phép đầu tư. Ngoài ra, trong thời hạn quy định và mà nhà đầu tư không góp đủ vốn thì cần làm thủ tục giãn tiến độ góp vốn để không bị phạt.

Luật Thành Đô xin giới thiệu bài viết: “Điều chỉnh vốn đầu tư, tiến độ góp vốn và giãn tiến độ góp vốn” .

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Đầu tư năm 2020;

– Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;

– Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều chỉnh vốn đầu tư, tiến độ góp vốn và giãn tiến độ góp vốn
Điều chỉnh vốn đầu tư, tiến độ góp vốn và giãn tiến độ góp vốn

II. THỦ TỤC ĐIỀU CHỈNH VỐN ĐẦU TƯ, TIẾN ĐỘ GÓP VỐN

Thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư, tiến độ góp vốn của nhà đầu tư triển khai theo trình tự các bước như sau:

Bước 1: Tăng/giảm vốn đầu tư (vốn góp) trên giấy đăng ký doanh nghiệp

Bước 2: Tăng/giảm vốn đầu tư (tổng vốn đầu tư/vốn góp/vốn vay), tiến độ góp vốn trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2.1. Hồ sơ điều chỉnh vốn đầu tư trên đăng ký doanh nghiệp

Hồ sơ điều chỉnh vốn đầu tư (vốn góp) trên đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

(1) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;

(2) Bản sao biên bản họp hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp về việc thay đổi;

(3) Quyết định của Chủ sở hữu/Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị về việc thay đổi;

(4) Danh sách thành viên/cổ đông sáng lập công ty/cổ đông nhà là đầu tư nước ngoài/người đại diện của ủy quyền của thành viên, cổ đông là tổ chức;

(5) Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới/chủ sở hữu mới/cổ đông mới của công ty;

Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ tới Phòng đăng ký kinh doanh-Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố.

Thời hạn giải quyết: 3 ngày làm việc

2.2. Hồ sơ điều chỉnh vốn đầu tư trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Hồ sơ điều chỉnh vốn đầu tư (tổng vốn đầu tư/vốn góp/vốn vay), tiến đố góp vốn trên giấy phép đầu tư bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

(2) Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;

(3) Quyết định về việc điều chỉnh dự án đầu tư của nhà đầu tư;

(4) Bản chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (01 bản)

(5) Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tất cả bản gốc trả lại Cơ quan đăng ký đầu tư khi lấy kết quả).

(6) Bản chứng thực đăng ký thuế (Đối với dự án chưa được tách Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp);

(7) Bản chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (01 bản);

(8) Báo cáo đầu tư;

(9) Tài liệu xác nhận đã góp đủ vốn đến thời điểm điều chỉnh: Bản chứng thực Báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất với thời điểm điều chỉnh hoặc xác nhận của ngân hàng về việc nhà đâu tư đã góp đủ vốn.

(10) Xác nhận số dư ngân hàng của cá nhân/tổ chức/Cam kết góp vốn của Công ty mẹ/Tài liệu chứng minh tài chính khác.

Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ tới Cơ quan đăng ký đầu tư

Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc

Lưu ý: Trường hợp sau đây nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

– Dự án thuộc trường hợp có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư điều chỉnh trong trường hợp sau:

+ Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư;

+ Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu

Thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư tham khảo bài viết:

III. THỦ TỤC ĐIỀU CHỈNH GIÃN TIẾN ĐỘ GÓP VỐN

Thủ tục điều chỉnh giãn tiến độ góp vốn gồm các bước dưới đây:

Bước 1: Nộp hồ sơ đề xuất giãn tiến độ góp vốn đến Cơ quan đăng ký đầu tư

Bước 2: Trong thời hạn theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào dự án thuộc diện không phải xin chấp thuận chủ trương hoặc dự án thuộc diện xin chấp thuận chủa trương của Thủ tướng Chính phủ/Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền có ý kiến bằng văn bản về việc giãn tiến độ đầu tư (đối với dự á).

Kết quả thực hiện: Văn bản về việc giãn tiến độ đầu tư

Lưu ý:

– Tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng. Trường hợp bất khả kháng thì thời gian khắc phục hậu quả bất khả kháng không tính vào thời gian giãn tiến độ đầu tư;

– Đối với dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, trừ một trong các trường hợp sau đây:

+ Để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai;

+ Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư chậm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

+ Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính;

+ Điều chỉnh dự án đầu tư do cơ quan nhà nước thay đổi quy hoạch;

+ Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;

+ Tăng tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.

– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

– Trường hợp đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp cao hơn thì cấp đó có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều này.

3.1. Hồ sơ điều chỉnh giãn tiến độ góp vốn

Hồ sơ thực hiện điều chỉnh giãn tiến độ góp vốn theo Luật đầu tư năm 2020 bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị giãn tiến độ gồm các nội dung sau:

– Tình hình hoạt động của dự án đầu tư và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư đến thời điểm giãn tiến độ;

– Giải trình lý do và thời hạn giãn tiến độ thực hiện dự án;

– Kế hoạch tiếp tục thực hiện dự án, bao gồm kế hoạch góp vốn, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa dự án vào hoạt động;

– Giải trình lý do và thời hạn giãn tiến độ thực hiện dự án;

(2) Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/thành viên hợp danh/Chủ sở hữu của Doanh nghiệp về việc giãn tiến độ thực hiện dự án;

(3) Báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án tới thời điểm điều chỉnh

(4) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư (nếu có);

Lưu ý: trường hợp quá thời hạn quy định trong quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư mà nhà đầu tư không làm thủ tục thay đổi thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000-30.000.000 tùy trường hợp do vi phạm quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Bài viết cùng chủ đề:

Đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua hình thức nào?

Hồ sơ điều chỉnh dự án phải quyết định chủ trương đầu tư

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư, tiến độ góp vốn và giãn tiến độ góp vốn. Trường hợp có bất cứ vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết này