Để đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục xin Giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư là văn bản cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ điều kiện.

Trong một số trường hợp nhà đầu tư có thể điều chỉnh các nội dung trên Giấy chứng nhận đầu tư, chẳng hạn như trường hợp điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Nhằm giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về việc tăng vốn đầu tư trên Giấy chứng nhận đầu tư, Luật Thành Đô xin giới thiệu bài viết: “Thủ tục tăng vốn đầu tư trên Giấy chứng nhận đầu tư”

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật đầu tư số 61/2020/QH14;

– Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;

– Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 09/04/2021 quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thủ tục tăng vốn đầu tư trên Giấy chứng nhận đầu tư
Thủ tục tăng vốn đầu tư trên Giấy chứng nhận đầu tư

II. ĐIỀU KIỆN TĂNG VỐN ĐẦU TƯ TRÊN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ

Căn cứ khoản 1, 2, 3 điều 41 Luật đầu tư quy định:

“1. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

3. Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;

b) Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;

c) Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư;

d) Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu;

đ) Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;

e) Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư;

g) Thay đổi nhà đầu tư của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trước khi dự án khai thác, vận hành hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).”

Theo đó, khi nhà đầu tư thực hiện các thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư dẫn đến tăng vốn của dự án đầu tư như sáp nhập, hợp nhất dự án; tăng vốn vào dự án;… thì nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Trong trường hợp thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư thì nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

III. THỦ TỤC TĂNG VỐN ĐẦU TƯ TRÊN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ

3.1. Thủ tục tăng vốn đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư:

Căn cứ khoản điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định:

“Điều 47. Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư

1. Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến việc thay đổi tên dự án đầu tư, tên nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo tài liệu liên quan đến việc thay đổi tên dự án đầu tư, tên nhà đầu tư. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.

2. Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư không thuộc nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 44 của Nghị định này cho Cơ quan đăng ký đầu tư. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.”

Theo đó thành phần hồ sơ tăng vốn đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư

(2) Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;

(3) Quyết định của nhà đầu tư về việc tăng vốn đầu tư;

(4) Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc tăng vốn đầu tư (ví dụ: xác nhận góp vốn; biên lai chuyển tiền; hợp đồng sáp nhập;…)

(5) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/Giấy phép kinh doanh ………(số, ngày cấp, cơ quan cấp) (nếu có).

(6) Văn bản ủy quyền cho người đại diện làm thủ tục trong trường hợp nhà đầu tư không trực tiếp nộp hồ sơ.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi có dự án đầu tư

Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Sau khi thực hiện xong thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư liên hệ với Cơ quan đăng ký kinh doanh để ghi nhận tăng vốn góp cho dự án đầu tư.

3.2. Thủ tục tăng vốn đầu tư đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư:

Căn cứ điểm a khoản 2 điều 43 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định:

“2. Đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục sau:

a) Trường hợp điều chỉnh nội dung dự án đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45 và 46 của Nghị định này. Căn cứ Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);”

Theo đó, khi nhà đầu tư điều chỉnh tăng vốn đầu tư thì cần thực hiện thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trước, sau đó mới thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

Sau khi thực hiện xong thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư liên hệ với Cơ quan đăng ký đầu tư để thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, sau đó nhà đầu tư liên hệ với Cơ quan đăng ký kinh doanh để ghi nhận tăng vốn góp cho dự án đầu tư.

Bài viết liên quan:

Ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Thành Đô về thủ tục tăng vốn đầu tư trên Giấy chứng nhận đầu tư. Nếu Quý độc giả còn có bất cứ vướng mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết này